Tuyển thủ Việt Nam xuống chơi giải Hạng Nhất: Chuyện gì đang xảy ra với bóng đá Việt Nam?

Sau Đặng Văn Lâm, Công Phượng thì đương kim quả bóng vàng Việt Nam Nguyễn Hoàng Đức mới đây cũng đã quyết định chia tay V League để xuống chơi ở giải hạng nhất trong màu áo của câu lạc bộ Phù Đổng Ninh Bình ở mùa giải năm nay. Điều gì đang xảy ra với cá nhân các cầu thủ cũng như tác động của những chuyện này với bóng đá Việt Nam?

Hoang duc dT Viet Nam tap 7/10

Liệu các cầu thủ có đáng trách?

Dễ dàng nhận ra đằng sau những quyết định của Văn Lâm, Công Phượng hay Hoàng Đức không phải là chuyên môn mà đơn thuần chỉ là  những con số bạc tỷ mà các tuyển thủ này nhận được khi chấp nhận rời bỏ sân chơi đỉnh cao của bóng đá Việt Nam để xuống chơi ở một giải đấu cấp thấp hơn. Con số chính xác mỗi người nhận được bao nhiêu, chắc chỉ có người trong cuộc mới rõ ngọn ngành, nhưng chắc chắn nó là con số không hề nhỏ so với mặt bằng chung về giá trị cầu thủ không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết khắp nơi trên thế giới.

Một chuyên gia bóng đá đến từ Châu Âu có một lần đã thốt lên “cầu thủ Việt Nam nhận được quá nhiều so với trình độ và đẳng cấp của họ”. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu, chúng ta sẽ nhận ra ông ta không hề nói quá lên.

Khác với hầu hết các nơi trên thế giới về cái gọi là thị trường chuyển nhượng, bóng đá Việt Nam có thị trường phải nó là “không giống ai”. Bóng đá thế giới là một dòng chảy và đa phần các nơi đều tuân theo quy luật dòng chảy đó, còn ở Việt Nam lại không như vậy, thị trường chuyển nhượng gần như là chuyện chưa bao giờ thấy ở đất nước chúng ta, dẫu cho trái bóng V-league đang lăn năm thứ 24 kể từ ngày lên sân chơi chuyên nghiệp.

Tuyển thủ Việt Nam xuống chơi giải Hạng Nhất Chuyện gì đang xảy ra với bóng đá Việt Nam 1

Thị trường chuyển nhượng là nơi mà các CLB muốn tìm kiếm hay mua một ai đó để bổ sung sức mạnh của mình, bên mua phải đồng thời thoả mãn 2 yếu tố: Đàm phán một mức giá mà bên chủ quản muốn bán đồng thời đạt thoả thuận cá nhân với cầu thủ mà họ muốn mua. Nói thẳng ra là bên bán nhận được tiền để tái đầu tư từ việc bán cầu thủ của mình.

Ở Việt Nam, bạn hãy đếm xem, có bao nhiêu trường hợp chuyển nhượng tuân theo quy luật hiển nhiên này rồi? Chuyển nhượng ở Việt Nam gần như tất cả đều đi theo con đường, đội muốn mua sẽ chờ cho anh chàng mà họ nhắm đến hết hợp đồng với câu lạc bộ chủ quản, trả cho anh ta cái gọi là phí “ lót tay”, bên cạnh một mức lương mà cả hai bên đồng ý, còn với các CLB chủ quản của anh ta, sẽ chẳng nhận được gì. Hoặc theo một phương thức khác, cầu thủ đó và CLB chủ quản đàm phán chấm dứt hợp đồng đôi bên, rồi cầu thủ cũng sẽ đi theo dạng như trên.

Hơn ai hết, cá nhân Đặng Văn Lâm, Công Phượng hay Hoàng Đức hiểu những gì đang chờ đợi họ ở giải Hạng nhất. Một giải đấu đẳng cấp thấp, những cầu thủ trình độ không cao, những khán đài trống trải.

Tuyển thủ Việt Nam xuống chơi giải Hạng Nhất Chuyện gì đang xảy ra với bóng đá Việt Nam 2

Tiền chắc chắn là lí do lớn nhất rồi, nhưng nếu chúng ta sòng phẳng với nhau, liệu có bao nhiêu anh chàng sẵn sàng xua tay từ chối mức lương khổng lồ cộng với số tiền “ lót tay” vô cùng lớn mà một đội bóng nào đó trao cho họ, bất kể hạng đấu. Ở độ tuổi của những Văn Lâm, Công Phượng, Hoàng Đức, giờ chẳng phải là lúc làm nhiều thêm những con số trong tài khoản hay sao?

Quên ước mơ xuất ngoại hay nâng cao trình độ bản thân đi. Chẳng phải Lâm hay Phượng cũng đã từng đi đây đi đó rồi đành phải trở về Việt Nam như bây giờ? Trình độ và khát khao khiến cho ước mơ không phải lúc nào cũng trở thành sự thật. Sau những gì đã xảy ra, Hoàng Đức cuối cùng cũng biết đâu là điều tốt nhất cho anh, chọn cho mình vùng an toàn đồng thời kiếm được rất nhiều tiền, cơ hội đâu thể đến nhiều lần trong cuộc đời cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam về đâu?

Không quá khó để nhận ra, những phi vụ như vậy chẳng giúp được gì cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, vốn đang xuống cạn đáy của niềm tin sau một chu kỳ thành công trước đó. Và có thể nói, ngày tìm lại đường đến vinh quang của bóng đá nước nhà ngày càng xa hơn sau những câu chuyện kỳ lạ như trên.

Chất lượng của đội tuyển quốc gia, nơi mà phản ánh đúng nhất về thực trạng của một nền bóng đá sẽ ra sao khi người được đánh giá là hay nhất hiện tại sẽ chơi bóng trong một môi trường gồm toàn những cầu thủ làng nhàng, thay vì có thể chơi bóng và làm đồng đội với những cầu thủ ngoại binh có đẳng cấp cao hơn? Bóng đá cũng như cuộc đời thôi, khi anh sống và làm việc với những người giỏi, anh phải cố gắng để theo kịp họ, còn nếu suốt ngày anh chỉ làm việc với những người kém hơn, anh sẽ thụt lùi và không còn muốn phấn đấu nữa.

Tuyển thủ Việt Nam xuống chơi giải Hạng Nhất Chuyện gì đang xảy ra với bóng đá Việt Nam 3

Thực trạng bóng đá Việt Nam bây giờ, quả thực cực kỳ khó không chỉ với riêng cá nhân ông Kim Sang Sik mà bất kỳ ai khác cũng khó có thể mang lại thành công ngay lúc này. Cầu thủ ngỡ đang đến độ chín về tuổi đời thì xuống phong độ và động lực, trong khi lứa trẻ thì không có nhiều người nổi trội vuơn lên. Như ai đó đã từng nói, người Việt Nam chỉ thích thứ bóng đá chiến thắng, mọi thứ khác đều không làm hài lòng số đông.

5 năm cùng bóng đá Việt Nam, cá nhân ông Park Hang Seo có lẽ chắc cũng đã nhận ra điều đó, và lứa cầu thủ chinh chiến cùng ông cũng đã nếm đủ vinh quang và bắt đầu chu kỳ đi xuống. Đòi hỏi khát khao hay động lực gì nữa của những người đã giành đủ vinh quang ở Đông Nam Á hay những giải U khu vực hay Châu Á. Trong một nền bóng đá mà đỉnh cao quanh đi quẩn lại chỉ là chức vô địch Đông Nam Á, Seagames và các giải U, chẳng phải những Quang Hải, Văn Lâm hay Hoàng Đức đã có đủ cho mình?

Với cá nhân các cầu thủ thế hệ này, đừng chờ mong họ khát khao như những ngày đầu nữa khi giờ họ đã có tất cả trong tay từ bóng đá mà ra: vợ đẹp, con khôn, một cuộc sống đầy đủ và những con số dài trong tài khoản.

Tuyển thủ Việt Nam xuống chơi giải Hạng Nhất Chuyện gì đang xảy ra với bóng đá Việt Nam 4

Những phi vụ chuyển nhượng kiểu Văn Lâm, Hoàng Đức hay trước đó là những Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh…lại khiến cho chúng ta ngao ngán về một thực trạng đáng buồn nữa mà ở nền bóng đá này chúng ta phải chấp nhận: Một ông chủ nắm nhiều đội bóng. Thế nên mới có việc “luân chuyển” hay “ tăng cường” một cầu thủ từ đội bóng này sang đội bóng khác theo một cách mà chắc chỉ có bóng đá VN mới làm được.

Bóng đá VN bao nhiêu năm vẫn không thể tự nuôi được chính bản thân nó, tất cả dựa vào bầu sữa của các doanh nghiệp, thời thế lúc lên lúc xuống, và số phận của các câu lạc bộ cũng long đong như số phận của các doanh nghiệp đứng ra tài trợ cho họ.

Ngày tươi sáng của bóng đá nước nhà vẫn còn rất xa…

Hưng Trần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *